Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á cho biết, doanh số chi trả kiều hối của Công ty trong năm qua đạt 1,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước. Nguồn kiều hối chủ yếu đến từ thị trường truyền thống là Mỹ, Australia và Canada. Tuy nhiên, trong năm vừa qua, nguồn kiều hối có sự đổi mới ở một số thị trường có số lượng lao động Việt Nam xuất khẩu lớn. Trong đó, đáng chú ý là thị trường Nhật Bản và Malaysia.
Một lượng kiều hối lớn đang có xu hướng dịch chuyển sang thị trường bất động sản
Theo ông Trung, thị trường bất động sản đang ấm dần được xem là tín hiệu đáng mừng cho thu hút nguồn kiều hối trong năm nay. “Nguồn kiều hối về Việt Nam, ngoài việc hỗ trợ các thân nhân trong nước, còn đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, trong đó có bất động sản, chứng khoán và cả gửi tiết kiệm ngân hàng. Đáng chú ý là, tình hình ấm dần của thị trường bất động sản trong năm nay sẽ là điều kiện tốt để thu hút kiều hối”, ông Trung nói.
Trong năm 2015, Kiều hối Đông Á tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng như năm 2014, với mức tăng 15 - 20% và tập trung vào các thị trường có số lượng lao động xuất khẩu lớn.
Trong năm qua, Công ty Kiều hối Ngân hàng Sacombank ước đạt doanh số chi trả kiều hối ở mức 1,9 USD, tương tự năm 2013. Năm 2013, lợi nhuận trước thuế của Công ty Kiều hối Sacombank đạt 15,01 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm, đóng góp lợi nhuận đáng kể cho Sacombank.
Trong giai đoạn 1991 - 2013, Việt Nam đã thu hút được gần 80,4 tỷ USD kiều hối, bình quân tăng khoảng 39%/năm. TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, kiều hối đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định nền kinh tế vĩ mô Việt Nam. Đây là nguồn vốn lớn thứ hai tại Việt Nam, hơn cả vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã giải ngân trong giai đoạn 2007 - 2013. Thậm chí, từ năm 2004 đến 2006, kiều hối là nguồn vốn lớn nhất của đất nước.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, lượng kiều hối chuyển về qua các ngân hàng thương mại và tổ chức kinh tế trên địa bàn Thành phố trong năm 2014 đạt 5 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2013, chiếm tới một nửa lượng kiều hối của cả nước.
Cũng theo ông Minh, trong những năm trước, kiều hối gửi về TP.HCM chủ yếu tập trung vào sản xuất - kinh doanh (chiếm 71,4% trong năm 2014, so với năm 2013 là 70,2%); bất động sản (22,1%, so với năm 2013 là 20%)… nhưng nhiều khả năng, tỷ lệ này sẽ thay đổi trong năm nay theo hướng dịch chuyển nhiều hơn vào bất động sản.
Trong khi đó, kết quả khảo sát, nghiên cứu về toàn cảnh kiều hối Việt Nam của CIEM và Western Union vừa được công bố, có tới 35,4% lượng kiều hối được sử dụng vào mục đích chi tiêu hàng ngày. Trong số kiều hối được sử dụng vào mục đích đầu tư, thì kênh lựa chọn nhiều nhất của người dân là ngân hàng. Kiều hối đổ vào bất động sản chỉ chiếm 16 - 17%.
Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, kiều hối đang có sự dịch chuyển trở lại vào bất động sản sau một thời gian dài lĩnh vực này đóng băng, giao dịch trầm lắng. Thực tế cho thấy, bất động sản từng là lĩnh vực “hút” kiều hối nhiều nhất trong năm 2011, với 4,7 tỷ USD, chiếm 52% trong tổng doanh số kiều hối. Vì vậy, sự trở lại của dòng kiều hối trong lĩnh vực bất động sản là hoàn toàn dễ hiểu khi thị trường này đang có dấu hiệu ấm dần.
Theo Đầu tư