"Trước đây chúng tôi chỉ nghĩ chiến tranh thương mại sẽ không thể xảy ra nhưng giờ đây tôi bắt đầu lo sợ việc đồng Nhân dân tệ sẽ mất giá trong tương lai hay những kịch bản tệ hại hơn nữa sẽ xảy ra nếu 2 nền kinh tế có chiến tranh toàn diện.", một thương gia xuất khẩu 40 tuổi tại Quảng Đông xin được giấu tên nói.
Anh Yan Chao, một giám đốc 30 tuổi cho 1 hãng quảng cáo ở Thượng Hải cho biết tỷ giá đang hướng đến 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD, trong khi giá 1 hộp nho 500 gr ngoài siêu thị đã tăng lên đến 30 Nhân dân tệ (4,3 USD). Ngày càng nhiều những thông tin xấu đang khiến người dân lo lắng và cuộc chiến thương mại đang ảnh hưởng ngày càng lớn đến đời sống người dân.
"Vợ chồng tôi đang tính vay tiền mua xe hơi nhưng với tình hình hiện nay, có lẽ chúng tôi sẽ hoãn kế hoạch cho đến năm sau khi mọi chuyện tốt hơn", anh Chao trần tình.
Doanh nghiệp sầu lo
Cách đây 6 tháng, anh Steve Liu, giám đốc kinh doanh của 1 nhà máy tại Thượng Hải còn rất tự tin khi cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ chấm dứt, nhưng giờ đây anh lại đang lo sốt vó vì các đòn thuế của Tổng thống Trump. Nhà máy của anh sản xuất linh kiện cho Huawei và lệnh cấm của Mỹ với công ty có nguy cơ khiến doanh nghiệp của anh Liu phá sản.
Câu chuyện của anh Liu chỉ là 1 trường hợp ở Trung Quốc khi hàng loạt doanh nghiệp đang lo lắng các thiệt hại mà chiến tranh thương mại leo thang có thể gây ra. Riêng lệnh cấm với Huawei đã khiến hơn 1.200 nhà cung cấp cho tập đoàn này phải lao đao.
"Rất nhiều khách hàng Mỹ đã hủy hợp đồng với chúng tôi chỉ vì chúng tôi là người Trung Quốc, thế rồi họ chuyển sang những nhà cung cấp khác như Ấn Độ hay Việt Nam", một nhà cung cấp tại Dongguan xin được giấu tên cho hay.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc mất 500 tỷ USD kể từ sau lệnh áp thuế mới của Tổng thống Trump lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của nước này vào Mỹ. Riêng trong tháng 5, chỉ số Shanghai Composite đã giảm 5,3% còn khối ngoại đã bán ròng 7,2 tỷ USD, phá vỡ kỷ lục của tháng 4/2019.
Trong khi đó đồng Nhân dân tệ đã mất giá 2,5% trong tháng 5, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2018. Trở thành đồng tiền Châu Á tồi tệ nhất trong tháng.
Mặc dù vẫn tự hào có lượng dự trữ ngoại hối lên đến 3,1 nghìn tỷ USD nhưng Trung Quốc chưa chắc đã chịu đựng được cuộc chiến thương mại kéo dài. Bằng chứng là ngân hàng nước này đã thắt chặt các giao dịch rút ngoại tệ có giá trị từ 3.000 USD trở lên dù theo luật, mỗi công dân được phép rút tới 50.000 USD mỗi năm.
Ngoài ra, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện đã giảm từ 48% GDP năm 2010 xuống chỉ còn 30% GDP hiện nay. Nợ nước ngoài của Trung Quốc cũng đã tăng vọt lên 1,97 nghìn tỷ USD vào năm ngoái, mức cao kỷ lục. Như vậy lượng dự trữ ngoại hối hiện nay của nước này chỉ còn đủ chi trả cho 12 tháng nhập khẩu ròng hàng hóa sau khi trừ nợ.
Một bằng chứng rõ rệt khác cũng cho thấy nguồn cung USD trong nội địa Trung Quốc đang giảm đi đó là chi phí huy động USD tăng cao trong năm nay. Theo số liệu của Reuters, lãi suất huy động USD của Trung Quốc kỳ hạn một năm đã tăng từ mức 2,4% hồi tháng 8/2018 lên khoảng 3,4% ở thời điểm hiện tại.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế